(PTDNO) – “Máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chiếc điện thoại hiện đạitrên tay CEO Trần Văn Thường hoạt động hết công suất. Công việc điều hành công ty, kinh tế trầm lắng, CEO càng lắm việc. Sự việc hàng ngày phải nhanh, nhưng chiến lược phát triển công ty, tôi chọn sự an toàn và bền vững” – CEO Trần Văn Thường, chia sẻ.
Nghề đã chọn người
Tất bật sau chuyến đi làm việc dài ngày với đối tác, trong căn phòng Giám đốc của Công ty CP Xây dựng địa ốc Đại Phúc (đường số 30, phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM), CEO Trần Văn Thường, chia sẻ: “Mỗi khi kinh tế trầm lắng, việc làm thu hẹp nhưng công việc của giám đốc tăng gấp đôi, gấp ba. Bay lui, bay tới để tìm đối tác, giữ việc làm cho người lao động”.
Câu chuyện trở thành CEO chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giấy, bất động sản của doanh nhân Trần Văn Thường cuốn lấy tôi. CEO không phải do bố trí, sắp đặt hành chính mà bản tính mỗi người quyết định. Tôi tin, nghề chọn người là có thật.
Tốt nghiệp lớp 12, chàng thư sinh Trần Văn Thường chia tay dòng sông Cẩm Lý hiền hòa của miền đất Lệ Thủy (Quảng Bình), chọn Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) “lai kinh ứng thí” để học nghề, dựng nghiệp. Vào những năm đầu thế kỷ 21, ngành học toán tin đang hot. Để giành một ghế ngành toán tin trên giảng đường đại học là bài toán khó của nhiều thí sinh. Cũng là lẽ thường, ngành học nóng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều và điểm tuyển đầu vào sẽ cao chót vót.
Chuông điện thoại từ đối tác cắt ngang mạch chuyện. CEO Trần Văn Thường kể tiếp, những thử thách đó không làm nản lòng chàng học sinh “tỉnh lẻ”. Sau một thời gian đánh vật với con toán, hàng loạt công thức, thí sinh Trần Văn Thường đã có tên trong danh sách trúng tuyển ngành toán tin Trường đại học Tôn Đức Thắng khóa ấy.
Ngày nhập học, thầy giáo giáo huấn “Ngành toán tin đầu vào đã khó, sau này ra trường thử thách càng lớn hơn. Để thành công là những ngày tháng trong phòng lạnh, gắn liền với màn hình”. Niềm vui ngắn chưa tày gang, toán tin không phù hợp với bản tính năng động, thích bay nhảy của mình. Tân sinh viên lại thêm nhiều đêm không ngủ, không phải để học bài mà viết đơn xin nhà trường được từ ngành toán tin hạ xuống xây dựng. Một quyết định gây nhiều sự ngỡ ngàng của bạn bè và thầy cô.
Những năm khoác áo sinh viên, ngoài những giờ lên giảng đường điều động lại là những phi vụ buôn hoa. Không như nhiều sinh viên ở miền Trung vào TPHCM học tập, sau giờ học là đi dạy kèm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, sinh viên Trần Văn Thường tập tành bước ra thương trường. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được là “đánh” hoa tươi từ Đà Lạt xuống TPHCM trong các dịp lễ, tết.
Mấy hôm trước các dịp lễ 14/2, 3/8, 20/10…,nhóm sinh viên tốc hành lên Đà Lạt đặt hoa. Ở TPHCM các điểm bán hoa đã định sẵn. Đúng giờ, những chuyến hàng hoa được chuyển xuống, phân chia cho các điểm bán. Nhiều phi vụ trúng đủ, anh em chia nhau xài mấy tuần, có tiền đóng học phí. “Ngày đó, chưa có điện thoại di động như bây giờ để chỉ đạo, điều hành. “Tướng quân tại ngoại”, tôi giao công việc là anh em cứ thế lên đường. Thắng nhiều, nhưng cũng có lần bị ôm hàng”, anh Trần Văn Thường chia sẻ thêm. “Những chuyến trật chìa, mấy bạn gái lại bất ngờ nhận được hoa tươi Đà Lạt. Cũng đã có mối tình nảy nở từ chuyến hàng hoa không đúng điểm rơi”.
Niềm đam mê kinh doanh co sẵn từ ngày đi học. Tốt nghiệp khoa xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng, kỹ sư trẻ đầu quân cho đơn vị Nhà nước theo các công trình, giám sát xây dựng ở Bình Chánh, Củ Chi, quận 7 nhưng điểm đến vẫn là CEO.
CEO thời 4.0
Buổi hàn huyên với CEO Trần Văn Thường cứ ngắt quảng vì công việc. Vừa chỉ đạo đẩy tiến độ xây dựng khách sạn ở TP Thủ Đức (TPHCM) để kịp tiến độ, đối tác từ Hà Nội lại gọi vào. “CEO là một nghề. Nền kinh tế càng trầm lắng, công việc của giám đốc càng nặng nề. Giám đốc tăng tốc để kiếm đối tác, giữ công ăn việc làm cho người lao động”, CEO Trần Văn Thường chia sẻ thêm. Thời nay không như ngày “đánh” hoa Đà Lạt, công nghệ thông tin hỗ trợ tối đa cho nhà quản lý. Với tôi, công việc cần xử lý nhanh, nhưng công ty phát triển cần bền vững, an toàn. Lợi nhuận mang về cho công ty phải đi đôi công ăn, việc làm cho hơn 500 người lao động.
CEO Trần Văn Thường được Hội đồng Quản trị công ty giao nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Giấy Khải Hoàn và Giám đốc Công ty CP Xây dựng địa ốc Đại Phúc. Công việc điều hành hệ sinh thái của công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bấm ngón tay anh đếm đầu việc, từ xuất nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, phân phối các loại giấy đến đầu tư, kinh doanh bất động sản, khách sạn…
CEO Trần Văn Thường cho biết, Công ty Giấy Khải Hoàn là đầu mối nhập khẩu giấy hàng đầu của cả nước. Giấy nhập khẩu giấy từ đối tác nước ngoài, tổ chức gia công, sản xuất ra sản phẩm và đưa đến người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy trình khép kín. Thời điểm hiện tại, nền kinh tế cả nước có chững lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh đơn vị, nhưng trên 500 cán bộ, nhân viêncông việc vẫn chạy đều. Chỉ riêng ngành giấy, doanh thu hàng năm của Khải Hoàn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đồng nghiệp trong giới doanh nhân phong vẫn gọi CEO Trần Văn Thường là xạ thủ có tài bắn súng hai tay, kinh doanh giấy và bất động sản.
“Công nghệ trợ giúp con người nhưng nay loài người phụ thuộc vào công nghệ, văn bản điện tử thay dần văn bản giấy. Trẻ em, người lớn đọc sách trên điện thoại. Chỉ cần một sự cố công nghệ, các văn bản điện tử biến mất. Và tôi tin, mọi người nhận ra lỗ hỏng này và văn bản giấy, sách vở sẽ tìm lại chỗ đứng của mình, ngành giấy vẫn phát triển”, Giám đốc Trần Văn Thường trăn trở. Để giấy Khải Hoàn đứng vững trước cơn bão suy giảm kinh tế toàn cầu, công ty cho ra nhiều mặt hàng, đa dạng sản phẩm từ giấy in, photo và bao bì. Giấy có tất cả các khổ, số lượng lớn. Sản phẩm giấy Khải Hoàn đã quen thuộc với người tiêu dùng như A-one, Natural, Vin-Eco, Plus…
Hai năm qua, trong khi nhiều công ty giấy lao đao, Khải Hoàn vẫn đứng vững trước cơn bão suy giảm kinh tế. Cùng tập thể Ban Giám đốc, Phó Tổng giám đốc Trần Văn Thường, đúc kết “Sóng gió thương trường lớn mới bộc lộ khả năng, bản lĩnh người cầm lái. Điều kiện làm nên bản lĩnh CEO chỉ có 20% từ sách vở, phần còn lại 40% học đồng nghiệp và 40% sẵn trong gia đình”.
Doanh nhân Trần Văn Thường kể cho chúng tôi nghe về đức tính cẩn thận từ người cha –Sỹ quan Quân đội đã tham gia trên các mặt trận ở Trường Sơn, nước bạn Lào của những năm đầu 1960 của thế kỷ trước. Với ông, bắt tay vào công việc, dù lớn hay nhỏ đều phải xây dựng phương án tác chiến, khi hành động đòi hỏi tính kỷ luật cao. Anh đã thừa hưởng tính cách nhẹ nhàng, nhưng quyết đoán của mẹ -nữ Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy vào những năm 1960. Quê hương ngày ấy trở thành túi chứa bom của giặc. Trong lửa đạn chiến tranh, người mẹ đảm nhiệm Bí thư Xã đoàn, vừa tổ chức cho đoàn viên, thanh niên lao động sản xuất và cầm súng chiến đấu.
Những kỷ niệm về dòng sông Cẩm Lý như sống lại. Cũng bên dòng sông ấy là nhà ông ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày thơ ấu, anh vẫn nghe kể nhiều về ông ngoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã theo tiếng gọi phong trào Cần Vương đứng lên bảo vệ đất nước. Quê hương, gia đình là nguồn sống tạo nên bản lĩnh, văn hóa trong mỗi doanh nhân.
Bút ký CEO của Hoàng Văn/Bestlife.net.vn